Mẹ nắm rõ 12 quyền lợi khi đi làm dành cho mẹ bầu, nuôi con nhỏ năm 2021 để không thiệt thòi

Bầu bì hay có con nhỏ đi làm cực lắm, vì đâu phải chỉ đi làm không đâu, còn phải chăm lo sức khỏe cho bản thân và cho con nữa.

Vậy nên hai đối tượng này cần phải được ưu tiên nhiều hơn khi đi làm các mẹ ạ. Nếu mẹ đang trong giai đoạn bầu bì hay nuôi con nhỏ hoặc có kế hoạch sinh con trong thời gian tới thì hãy đọc để nắm rõ về quyền lợi của mình nha.

#1. Được nghỉ và hưởng chế độ bảo hiểm khi đi khám thai

Theo Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 hiện đang được áp dụng, trong thời gian mang thai, mẹ được quyền nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày. Với trường hợp ở xa nơi khám chữa bệnh hoặc mẹ bầu có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.

Lưu ý thời gian nghỉ này sẽ không tính vào các ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Ngày nghỉ để đi khám thai này, công ty sẽ không trả lương cho mẹ, cũng không bị trừ vào ngày phép, mà thay vào đó, cơ quan BHXH sẽ chi trả khoản tiền này.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Mức tiền được nhận của mỗi ngày nghỉ đi khám thai = 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ / 24 ngày.

Để được hưởng chế độ, mẹ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền xin Giấy xác nhận để nộp cho bộ phận nhân sự hoặc phụ trách BHXH của công ty thực hiện thay mình nhé.

#2. Được nghỉ và hưởng chế độ bảo hiểm khi sinh con

Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản khi sinh con là 06 tháng. Mẹ có thể nghỉ trước khi sinh, nhưng tối đa không quá 02 tháng, nhưng tổng thời gian nghỉ là 06 tháng.

Trường hợp muốn đi làm lại sớm, mẹ cần có Giấy xác nhận của bác sĩ tại bệnh viện hay cơ sở y tế có thẩm quyền về việc đủ sức khỏe để đi làm lại và phải được sự đồng ý của công ty hoặc người sử dụng lao động.

Mức tiền được nhận = 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ x 6 tháng.

Lưu ý rằng để được hưởng chế độ này, mẹ phải đóng BHXH đủ 06 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con thì mới được nhé!


Ảnh minh họa. Nguồn: Pixabay.

Ngoài tiền hưởng chế độ thai sản 6 tháng, mẹ còn được nhận tiền trợ cấp một lần khi sinh con, bằng 2,98 triệu đồng cho mỗi con, tương đương với 02 tháng lương cơ sở ở thời điểm hiện tại.

Để được hưởng chế độ này, mẹ phải nộp Bản sao Giấy khai sinh của con.

#3. Được hưởng BHYT trong thời gian nghỉ thai sản để sinh con

Khi nghỉ thai sản để sinh con, mẹ và công ty đều không phải đóng BHXH, BHYT nhưng mẹ vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT cũng như được tính là thời gian đóng BHXH.

Nếu cấp cứu đi sinh, mẹ nhớ cầm theo thẻ BHYT ở bất kỳ bệnh viện nào trên phạm vi toàn quốc đều được hưởng chế độ BHYT này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

#4. Sinh con xong rồi muốn nghỉ thêm có thể áp dụng chế độ dưỡng sức sau thai sản

Sau thời gian dài nghỉ thai sản, mẹ muốn nghỉ thêm với con, mẹ hoàn toàn có quyền nghỉ theo chế độ dưỡng sức sau thai sản. Tuy nhiên, chỉ áp dụng trong vòng 30 ngày đầu làm việc thôi nhé. Tùy theo trường hợp mẹ sinh thường hay sinh mổ, sinh mấy con mà được nghỉ hưởng chế độ như sau:

– Đối với trường hợp sinh đôi trở lên: Tối đa 10 ngày.

– Đối với trường hợp sinh mổ: Tối đa 07 ngày.

– Đối với trường hợp còn lại: Tối đa 05 ngày.

Khác với thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản khi sinh con, nghỉ hưởng chế độ này sẽ tính luôn cả ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần.

Mỗi ngày nghỉ được hưởng 447.000 đồng, cứ thế mẹ nhân lên với số ngày mình được nghỉ nhe.

Để được hưởng chế độ này, mẹ phải nộp Giấy ra viện để được giải quyết. Tuy nhiên, mẹ phải nộp giấy này sớm để được giải quyết chế độ.

#5. Được giảm bớt công việc hoặc giờ làm việc

Đối với lao động nữ làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc các công việc có khả năng ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai thì được chuyển sang công việc nhẹ hơn, hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày. Mặc dù vậy không bị cắt giảm lương cũng như các quyền và lợi ích khác cho đến khi hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

#6. Không phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ hay đi công tác xa

Áp dụng đối với trường hợp mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, trừ khi được người lao động đồng ý.

#7. Được ưu tiên tái ký hợp đồng lao động khi hợp đồng hết hạn trong thời gian mang thai hoặc nuôi con nhỏ

Đây được cho là quy định rất nhân văn, nhằm giảm thiểu trường hợp người sử dụng lao động lợi dụng khoảng thời gian này để không tiếp tục tái ký hợp đồng mới với người lao động.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

#8. Không bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải hoặc không bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Việc sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi là trái luật và có thể bị phạt hành chính, đồng thời bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, mẹ lưu ý rằng sẽ không áp dụng với trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân đã chết hoặc bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết, còn người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ Nghị định 28/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, nếu người sử dụng lao động có hành vi sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lao động nữ mang thai, hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng, đồng thời buộc nhận người này trở lại làm việc.

#9. Được quyền nghỉ việc mà không cần báo trước

Áp dụng với trường hợp nếu có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục đi làm sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Thời điểm nghỉ sẽ tùy thuộc vào quyết định của bác sĩ.

#10. Đối với trường hợp nuôi con nhỏ dưới 12 tháng, được nghỉ 60 phút mỗi ngày làm việc mà vẫn được hưởng nguyên lương

Theo quy định tại Nghị định 28 thì người sử dụng lao động không cho lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng và buộc trả tiền lương làm thêm giờ trong trường hợp này.


Ảnh minh họa. Nguồn: Người Lao Động.

#11. Được đảm bảo công việc cũ khi quay trở lại làm việc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản

Quy định này không áp dụng với trường hợp việc làm cũ không còn, nhưng người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.

Nếu không thực hiện điều này, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

#12. Sinh con xong, nếu đăng ký giảm trừ gia cảnh cho con, mẹ được giảm tiền thuế TNCN phải nộp

Tiền lương của mẹ nhận được mỗi tháng sau khi đã trừ đi các khoản bảo hiểm, giảm trừ gia cảnh cho bản thân và người phụ thuộc, phần còn lại sẽ tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Giảm trừ gia cảnh cho bản thân là 11 triệu đồng, còn với người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng mỗi tháng, áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.

Mẹ nộp Bản sao Giấy khai sinh cho bộ phận kế toán để thực hiện thủ tục kê khai, giảm bớt gánh nặng nộp thuế về sau. À, đối với khoản tiền hưởng chế độ thai sản thì không phải đóng thuế TNCN mẹ nha.

Xong hết rồi đó, mẹ có kế hoạch sinh con sắp tới thì cứ thẳng tiến thôi.