Học sinh vùng cao Tây Bắc giữa tiết trời ‘rực lửa’: Nơi may mắn quạt mát, chỗ ‘hứng’ tạm gió trời

Miền Bắc đang trải qua những ngày nắng nóng đỉnh điểm, các trường học ở tỉnh Điện Biên đặc biệt gặp khó trong việc làm mát do hạn chế cơ sở vật chất. Không ít nơi, cô trò vẫn chỉ biết tránh nắng nóng bằng việc ‘hứng’ gió trời.

Hạn chế các hoạt động ngoài giờ

“Hứng” gió…

Trường Tiểu học bản Mo, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay có 252 học sinh đang theo học. Do địa hình chia cắt, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, nên ngôi trường này phải chia tách thành 3 điểm bản để đảm bảo việc dạy – học gồm: điểm trường trung tâm (110 học sinh), điểm trường Hua Nậm Cản (82 học sinh) và điểm trường Hua Huổi Luông.

Ở điểm trường trung tâm tuy còn nhiều khó khăn, song cơ sở vật chất hiện có còn thuận lợi hơn 2 điểm bản vùng cao còn lại. Việc ứng phó với nắng nóng tức thì cho học sinh ở hai điểm trường Hua Huổi Luông và Hua Nậm Cản chủ yếu dựa vào thiên nhiên là chính.

Thời gian gần đây, thấy thời tiết nắng nóng gay gắt, được sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu nhà trường, thầy giáo Phạm Xuân Tuấn cùng các thầy cô ở điểm bản này đã bảo nhau đi mua rèm, mành về che nắng tại các cửa lớp học để hạn chế ánh nắng phản chiếu trực tiếp đến học sinh. Hàng năm các thầy cô tổ chức trồng cây, tạo bóng mát lâu dài. Chứ nếu nói về giải pháp trước mắt nếu nắng nóng kéo dài tức thì có lẽ tất cả cũng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh chứ cũng không biết làm gì hơn. Nói vậy, bởi ở đây hầu như thiếu thốn đủ bề. Đường xá đi lại khó khăn, điện lưới chưa có nên nếu có được đầu tư hệ thống quạt mát thì cũng chỉ “bỏ xó”.

Ở điểm Hua Huổi Luông được xây dựng kiên cố, song không có điện

Cả điểm trường Hua Huổi Luông có 5 lớp học với gần 60 học sinh chỉ có 1 máy phát điện, hãn hữu lắm mới được mang ra sử dụng vào việc trình chiếu. Chẳng có kinh phí nên các thầy cô ở đây cũng chẳng dám mang ra để sử dụng vào mục đích khác vì sợ máy hỏng, khi cần lại không có.

“Từ tháng ba đến giờ, chúng tôi hướng dẫn học sinh thường xuyên làm vệ sinh xung quanh trường, lớp học sạch sẽ, thoáng mát. Điện lưới thì chưa có nên quạt thì cũng chẳng có, chỉ biết đợi gió trời thôi. Thế nên các thầy cô ở điểm bản đã bổ trí bàn ghế đảm bảo khoảng cách hợp lý để tạo sự thông thoáng. Đối với học sinh thì chúng tôi hướng dẫn các cháu phải tắm giặt, vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Lúc ở nhà cũng như khi đến trường thì không được trốn ra sông, suối tắm khi trời nắng nóng vì rất dễ bị ốm. Các giáo viên thì cố gắng bảo nhau tìm mọi cách để dẫn nước suối về téc chứa đầy đủ, đáp ứng để cho học sinh sử dụng thường xuyên”, thầy Phạm Xuân Tuấn chia sẻ.

Ở các điểm trường vùng cao, học sinh chọn bóng cây để “hóng gió”

Nỗ lực “hạ nhiệt”

Tròn 10 năm kể từ khi tỉnh Điện Biên hoàn thành chương trình tái định cư thủy điện Sơn La thì cũng ngần ấy thời gian người dân thị xã Mường Lay cảm nhận rõ nhất về sự biến đổi của khí hậu. Nếu như trước đây, khí hậu của thị xã Mường Lay được người ta so sánh với Sa Pa, Mộc Châu hay Đà Lạt để nói về sự mát mẻ, thì nay khí hậu nơi này “quay quắt” hơn hẳn. Nắng nóng nhiều hơn, gay gắt hơn.

Bà Trần Thị Hiếu – Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Mường Lay là người cảm nhận rõ sự biến đổi này. Thế nên, tuy nắng nóng chưa gay gắt như các tỉnh miền xuôi, song bà Hiếu đã chỉ đạo các đơn vị trường học chủ động phương án ứng phó.

“Mỗi ngày tôi đều phải theo dõi dự báo thời tiết. Thấy thời tiết cực đoan quá, nên chúng tôi cũng chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng các kế hoạch để ứng phó. Ở các trường thuận lợi thì được trang bị thiết bị thì còn đỡ, chứ thương nhất là các con ở điểm bản vùng cao. Ở những điểm trường đó họ chẳng có điện, nên nắng nóng thì cũng chỉ biết đợi gió trời. Thương lắm nhưng cũng chẳng biết làm thế nào vì nhiều nơi cũng chưa có điện. Vì thế, trong lúc này các giáo viên cũng chỉ biết thay đổi lịch dạy học phù hợp với thời tiết; tổ chức tuyên truyền để các con có thêm kỹ năng ứng phó”, bà Trần Thị Hiếu tâm sự.

Các điểm trường trung tâm tại thị xã Mường Lay cơ bản được xây dựng mới và được trang bị cơ sở vật chất đảm bảo. Vì vậy, việc chống nóng cho học sinh trong giờ học cũng không phải là vấn đề quá đáng ngại.

Quạt mát được bố trí đầy đủ ở các điểm trường trung tâm

“Ngay sau khi có sự chỉ đạo của Phòng GD&ĐT thị xã, chúng tôi đã tích cực tham mưu với phòng đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống quạt điện trong các lớp học, rèm vải trong lớp học, mành che ở ngoài. Nhà trường cũng hạn chế tổ chức hoạt động ngoài trời trong lúc nắng nóng lên cao. Giáo viên cũng tuyên truyền cho học sinh khi đến trường cần phải ăn mặc gọn gàng, kín đáo, mặc quần áo tối màu trong quá trình đi lại đến trường và về nhà để hạn chế bức xạ. Chũng tôi cũng kêu gọi phụ huynh học sinh chủ động trang bị mũ, nón cho các em khi đi học”, thầy giáo Phạm Thanh Tùng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học bản Mo, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay.

Sau khi có chỉ đạo của Phòng GD&ĐT thị xã, trường THCS Nguyễn Bá Ngọc, thị xã Mường Lay cũng đã khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với nắng nóng. “Chúng tôi đã cho anh em kiểm tra lại toàn bộ hệ thống điện của nhà trường, ổ điện, quạt mát. Chỗ nào hỏng phải sửa ngay. Do trường được xây dựng bằng nguồn vốn tái định cư nên cơ bản các thiết bị đi kèm đã đồng bộ và hiện đại nên đáp ứng tốt nhu cầu của học sinh. Hiện tại mỗi lớp học được trang bị 6 quạt trần để phục vụ cho việc quạt mát cho học sinh”, cô giáo Lương Thị Thắm – Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Bá Ngọc cho biết.

Các trường học ở Mường Lay thay đổi lịch học ngoại khóa phù hợp để tránh nắng

Do địa bàn rộng, phân tán, nhiều học sinh nhà xa nên trường THCS Nguyễn Bá Ngọc đã chú trọng đến việc tuyên truyền các giải pháp chống nóng cho học sinh trong quá trình di chuyển từ nhà đến trường và ngược lại.

“Ngoài những giải pháp trên, chúng tôi đã thay đổi lịch học cho phù hợp. Ví dụ như trước đây chúng tôi tổ chức ra chơi 2 tiết, hoạt động đầu giờ 2 tiết rồi sẽ là hoạt động giữa giờ. Hàng ngày cứ diễn ra như vậy. Nhưng từ khi nắng nóng diễn ra, hoạt động giữa giờ thì trời rất nắng nên có kế hoạch tuyên truyền, cả những hoạt động vui chơi thì tổ chức chiếu trong lớp cho học sinh xem. Hay như tiết thể dục, không bố trí vào tiết 5 buổi sáng và tiết 1 buổi chiều. Nhưng thực tế tiết 4 cũng nắng, nên nhà trường đã điều chỉnh và hạn chế luôn cả tiết 4 buổi sáng và tiết 2 của buổi chiều. Vì thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Phòng nên 100% học sinh trong trường đã có được sức khỏe đảm bảo để học tập”, cô giáo Lương Thị Thắm chia sẻ thêm.

http://giaoducthoidai.vn/hoc-sinh-vung-cao-giua-tiet-troi-ruc-lua-noi-may-man-quat-mat-cho-hung-tam-gio-troi-20200629181144957.html