Hà Tĩnh: Giếng trơ đáy, cam bưởi giá trị chục tỷ nguy cơ “thành than

Nắng nóng kéo dài, nhiều vườn cam, bưởi tại huyện miền núi Hương Khê bị chết khô.
Nắng nóng kéo dài, nhiều vườn cam, bưởi tại huyện miền núi Hương Khê bị chết khô.

Đồi cam, bưởi héo dần do nắng hạn

Hơn một tháng nay, nắng nóng đỉnh điểm dẫn đến tình trạng hạn hán xảy ra ở huyện miền núi Hương Khê. Người trồng cây đặc sản ở “chảo lửa” này đang đứng ngồi không yên khi hàng chục ha cam, bưởi đang chết dần, nguy cơ thất thu hàng chục tỷ đồng.

Một tháng qua đất Lộc Yên (Hương Khê) không có một giọt mưa nào. Nắng nóng từ 6 giờ sáng đến tận 18 giờ, thậm chí nền nhiệt nhiều ngày trung bình lên đến 42 – 43 độ C khiến “cây khô, người héo”. Riêng vườn bưởi, cam 2.400 gốc của gia đình anh Nguyễn Văn Tiềm có khoảng 200 gốc bị héo. Một số diện tích mới trồng khoảng 2 năm chết khô từ gốc đến ngọn.

Để cứu vườn cây ăn quả ăn đã đầu tư hàng tỷ đồng, cách đây hơn 1 tuần anh Tiềm phải bỏ ra hơn 12 triệu đồng khoan thêm giếng để lấy nước tưới. Trước nắng hạn kéo dài, giải pháp này của anh Tiềm chỉ mang tính đối phó, giữ vườn cây. Còn về lâu dài, nếu 6 trời không mưa, diện tích cam, bưởi chết sẽ tăng theo cấp số nhân, thiệt hại nặng nề.

Tại đồi Trạng Nẹo xã Phúc Trạch (Hương Khê) có tới hơn 100 hộ dân trồng cam, bưởi đặc sản. Ông Nguyễn Đình Sen (SN 1960, trú xóm 6) buồn rầu nhìn cả đồi cam, bưởi của gia đình đang héo úa. “Năm 1990 tôi cùng vợ vào đồi Trạng Nẹo khai hoang, trồng cây đặc sản vùng miền như bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây… Hiện, gia đình có 1.200 gốc cam cho trái non và hơn 1.000 gốc bưởi cho ra khoảng 5.000 quả. Nắng nóng khiến cho đồi cây ăn quả của gia đình đứng trước nguy cơ bị chết cháy”, ông Sen buồn bã kể lại.

Ông Sen cũng cho biết: “Hằng năm, tôi đầu tư khoảng 150 triệu đồng tiền nhân công, vật tư… để chăm sóc vườn cây. Mỗi năm vườn cam, bưởi cho thu hoạch khoảng 400 triệu đồng. Trừ chi phí thì vẫn lãi được khoảng 250 triệu đồng. Với nắng nóng năm nay khả năng mất trắng. Nhiều cây cam trong vườn đã chết héo, quả đã beo vàng và rụng do nắng đốt. Đây là năm đỉnh điểm của nắng hạn mà tôi biết với kinh nghiệm 30 năm làm vườn”.

“Hiện, vườn cam, bưởi của gia đình tôi có khoảng 30% đã chết héo. Nếu tình trạng nắng nóng này tiếp tục kéo dài, thì cả trang trại cam, bưởi của tôi sẽ mất trắng do thiếu nước tưới tiêu. Tôi đang vô cùng hoang mang. Mọi biện pháp cứu vườn cây tôi đã nghĩ nát óc nhưng nước không có. Chỉ cầu trời vài hôm nữa mưa lớn, may ra cây thoát chết”, ông Sen buồn bã nói.

Chung cảnh ngộ, trang trại cam, bưởi 1,5 ha của ông Nguyễn Văn Thân, (Trường Sơn, Hương Khê) nằm ngay cạnh đập Vờm nhưng cũng khô khốc, cháy sém vì thiếu nước tưới. Theo ông Thân, trang trại của ông lứa cây trồng lâu năm nhất cũng mới được 4 – 5 năm; hầu hết là diện tích mới trồng chưa được 2 năm, bộ rễ đang kém nên khi gặp thời tiết nắng hạn kéo dài, không có nước tưới đã rơi vào trạng thái héo úa, chết khô.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê, ông Lê Quang Vinh thông tin, gần 1 tháng qua nắng nóng liên tục, không có mưa.”Điều đáng nói, khu vực đồi Trạng Nẹo hiện chưa có điện để bà con yên tâm sản xuất. Ở đây các đập còn nước, nhưng không có điện để bơm về”, ông Vinh nói.

Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch (Hương Khê) bà Phạm Thị Hạnh cũng cho biết: “Đồi cam, bưởi ở xã hàng năm cho doanh thu hơn 60 tỷ đồng. Nhưng năm nay, cây nơi đây đang đứng trước nguy cơ chết héo do nắng nóng. Hơn 100 hộ dân mong mỏi có điện để họ kéo được nước, tưới cho cây trồng”.

Giếng cạn trơ đáy

Không chỉ gây thiệt hại cho sản xuất, nắng nóng kéo dài còn làm đảo lộn cuộc sống của hàng nghìn người dân vì thiếu nước sinh hoạt. Hiện, đã có hơn 700 giếng nước của các hộ dân tại huyện Hương Khê cạn trơ đáy, tập trung ở các xã Hương Lâm (400 hộ); Hương Liên (100 hộ); Điền Mỹ (70 hộ)… và con số này chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ông Nguyễn Văn Linh (thôn 4, xã Hương Lâm) vừa chờ bơm nước từ chiếc giếng khoan của nhà hàng xóm vào can vừa than thở: “Nắng nóng kéo dài cả tháng nay, không hề có một giọt mưa, giếng nước khô cạn. Hai vợ chồng sáng nào cũng can, thùng đi xa hơn 1km để xin nước về nấu ăn, tắm giặt. Chưa có một năm nào mà nước nôi khó khăn, vất vả đối với gia đình chúng tôi thế này”.

Hộ gia đình ông Linh còn may mắn là đi xin được nước nhà nước khác. Đối với các hộ ở tận trên núi, việc giếng khoan xem như không có hy vọng. Nhiều hộ phải dùng tới giải pháp gom tiền lắp đường ống nước từ khe suối về sinh hoạt. Hương Khê mùa mưa thì ngập trắng nước, mùa nắng thì khát cháy khô. Người dân nơi đây hứng chịu mọi thiên tai.

Một thực trạng nữa kéo theo khi nắng hạn kéo dài, nhiều hộ dân tại vùng miền núi này khi không đủ nước sạch để sinh hoạt, phải nhắm mắt làm liều dùng luôn cả nước ao, hồ không bảo đảm để ăn uống, tắm giặt. “Nói thật, người lớn có thể chịu đựng được nhưng thương nhất là trẻ con, đội nắng đi học giữa nhiệt độ 40 – 42 độ C, về nhà lại không đủ nước để ăn, uống, tắm rửa. Nhiều đứa phát bệnh vì nắng nóng, thiếu nước”, chị Lê Thị Bình, một người dân vùng nay chia sẻ.

Ông Lê Hữu Thức, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Lâm (Hương Khê) xác nhận, hiện giếng đào của các hộ dân trên địa bàn xã cơ bản đã cạn nước, chỉ còn một số giếng khoan là còn nước. Để có nước sinh hoạt, nhiều hộ ở xa phải lắp đặt đường ống đến 3 – 4 km lấy nước từ khe suối; hộ gần nhất khoảng 1 km.

“Chính quyền địa phương đang hướng dẫn bà con tận dụng nước giếng khoan, các luồng lạch để bơm tưới chống hạn cho cây trồng; sử dụng cành cây, phế phẩm nông nghiệp tấp ủ gốc cây ăn quả hạn chế thất thoát nước, giữ ẩm cho đất; tiển khai bao quả chống nắng…” – ông Thức cho biết.

Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Hương Khê cũng nhấn mạnh: “Đối với nước sinh hoạt, rất mong tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân khoan giếng. Còn về lâu dài, Trung ương, tỉnh cần đầu tư xây dựng dự án đập Trại Dơi, ở xã Phú Gia, góp phần giữ mạch nước ngầm, giải quyết bài toán thiếu nước sinh hoạt, nước tưới sản xuất; đồng thời hỗ trợ cắt giảm lũ vào mùa mưa”.

Nguồn: http://giaoducthoidai.vn/gieng-tro-day-cam-buoi-gia-tri-chuc-ty-nguy-co-thanh-than-20200630095016561.html