Cô giáo trẻ bám bản gieo chữ: Ai cũng ở thành phố thì những đứa trẻ nơi biên giới sẽ học tập ra sao

Trẻ ở vùng cao còn nhiều thiếu thốn. Nếu giáo viên nào cũng muốn ở trường trung tâm, thành phố thì những đứa trẻ nơi biên giới sẽ học tập ra sao”, cô giáo trẻ Phương Thảo trăn trở.

 Dù trẻ tuổi, nhưng Thảo không ngại khó để bỏ thành phố lên núi với các em!

Phương Thảo (sinh năm 1997, Lào Cai), hiện là giáo viên tại trường vùng biên giới huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Dù cuộc sống vùng cao vô cùng khó khăn, khắc nghiệt song Thảo chưa bao giờ nghĩ sẽ bỏ cuộc.

Tính đến nay, Thảo đã có 2 năm dạy học tại vùng biên từ khi viết đơn tình nguyện rời thành phố. Cô giáo trẻ với tất cả niềm đam mê, hiệt huyết với nghề vẫn ngày ngày miệt mài vượt dốc, vượt đèo lên bản gieo con chữ.

Năm nay, Thảo đã được chuyển công tác sang điểm trung tâm của trường Mầm non Sin Suối Hồ. Cô giáo trẻ được phân công dạy lớp 2-3 tuổi, có 22 em bé là đồng bào dân tộc H’Mông, Mường, Dao.

Không giống như những con đường thẳng tắp, bằng phẳng như ở dưới xuôi. Con đường mà cô giáo trẻ đang ngày ngày đi dạy là những đường dốc thẳng đứng, những góc cua ngoằn ngoèo… mà không phải cô gái trẻ nào cũng can đam vượt qua suốt bao ngày mưa nắng.

Nhớ lại ngày đầu bỡ ngỡ lên vùng cao. Trường học cách nhà của Thảo 130km. Ngày đến nhận việc, cô bắt đầu hoang mang khi càng đi càng heo hút, không thấy nhà cửa, phía trước chỉ là con đường đất, một bên là núi, một bên là vực. Lần đầu nhìn thấy trường, thấy lớp rồi nhìn học sinh, Thảo bắt đầu sợ.

Con đường từng khiến cô giáo trẻ muốn bỏ về nhà

“Lúc đó, mình chỉ muốn bỏ về nhà. Mình khóc một tuần, khóc vì không có nhà tắm, không có nước nóng, nhớ nhà. Dẫu đã tưởng tượng trước sự vất vả, mình không nghĩ cuộc sống thực tế lại khắc nghiệt gấp nhiều lần như vậy”.

Nhớ lại những ngày đầu đi làm, ngày nào Thảo cũng bị ngã xe, đi tập tễnh. Sau 2 năm, cô giáo mới quen với tình trạng này.

Và thật may mắn, khi tình yêu và sự sẻ chia được lan tỏa. Con đường gập ghềnh đi kiếm chữ của bao em nhỏ đã được người dân và cán bộ hỗ trợ trải bê tông. Cô Thảo chia sẻ: “Tuy vậy, nhưng có hôm trời mưa, đường trơn, cô giáo vẫn phải dắt bộ hàng cây số mới có thể tới trường. Không chỉ có cô mà các em nhỏ đi lại cũng khá khó khăn”.

Vì nhiệt huyết và tình yêu nghề, thương học sinh. Cô giáo trẻ vẫn quyết tâm ở lại gieo chữ

Từ nhỏ, Phương Thảo (sinh năm 1997, Lào Cai) đã có tình yêu và niềm đam mê với nghề giáo. Tốt nghiệp THPT, cô gái sinh năm 1997 thi đỗ Cao đẳng Sư phạm Trung ương Hà Nội và mơ ước có một công việc ở thủ đô.

Ước mơ ở lại Thủ đô là vậy, nhưng vì trăn trở: “Trẻ ở vùng cao còn nhiều thiếu thốn. Nếu giáo viên nào cũng muốn ở trường trung tâm, thành phố thì những đứa trẻ nơi biên giới sẽ học tập ra sao”. Nên Thảo đã quyết tâm xin nhà trường và gia đình cho rời công tác.

Công tác được hơn một năm, quen dần với cuộc sống vùng cao, Thảo chủ động xin đi dạy ở điểm trường xa trung tâm và khó khăn nhất của xã Mù Sang.

Điểm bản Sàng Sang, trường Mầm non Mù Sang nằm cheo leo trên đỉnh núi vùng đồng bào dân tộc H’Mông. Một mình cô giáo với 35 trẻ mầm non. Vài năm trước, khi phòng học chưa được kiên cố, công việc của các cô giáo ở đây khó khăn nhiều hơn thuận lợi vì thiếu thốn cơ sở vật chất, điện nước.

Tinh thần và hành động của Thảo là tấm gương sáng trong ngành giáo dục

Khó khăn là vậy, nhưng không khiến cô giáo trẻ nản chí. Cho đến bây giờ, Thảo chưa một lần băn khoăn với quyết định tình nguyện rời trường trung tâm để đến với điểm trường lẻ. Không chỉ làm tốt việc chăm sóc trẻ, Thảo còn gần gũi với đồng bào nơi đây khi thường xuyên đến từng nhà để vận động trẻ ra lớp.

“Mình ở bản bằng tình thương của đồng bào. Dù nghèo khó, thiếu thốn, nhưng trái tim nhiệt tình của họ chưa bao giờ thiếu. Có nải chuối, cái bánh dày, phụ huynh cũng mang đến cho cô giáo”, Thảo tâm sự.

Chị Lò Thị Sín, bản Sàng Sang, xã Mù Sang cho biết: “Chúng tôi khó khăn, vất vả nhiều lắm nhưng vẫn cố gắng cho các con được đi học. Nhà tôi 2 cháu được đi học rồi, còn 2 cháu nhỏ nữa. Cô giáo Thảo bảo phải cho đi học thì các con mới được biết chữ, để sau này cuộc sống tốt hơn”.

Đồng nghiệp của Phương Thảo, cô giáo Giàng Thị Mỷ – giáo viên trường mầm non Sin Suối Hồ – cho biết: “Cô Thảo là người rất nhanh nhẹn, hòa đồng, nên được các thầy cô trong trường yêu quý. Trong công việc bạn ấy rất nhiệt tình với các phong trào, sẵn sàng lên vùng sâu, vùng xa, ở điểm lẻ. Tinh thần và hành động của Thảo là tấm gương sáng trong ngành giáo dục”.

“Nếu giáo viên nào cũng muốn ở trường trung tâm, thành phố thì những đứa trẻ nơi biên giới sẽ học tập ra sao”, Thảo chia sẻ

Thảo chia sẻ, điều quan trọng nhất giúp cô theo nghề là lòng kiên trì, bởi nếu không có tình cảm thực sự sẽ không thể trụ lại được nơi còn nhiều gian khó. Nói về dự định thời gian tới, Thảo cho biết cô vẫn sẽ cố gắng “bám nghề”, trau dồi thêm kiến thức chuyên môn.

Bên cạnh đó, nữ giáo viên mong muốn nhà nước quan tâm hơn tới các thầy cô giáo vùng cao để họ có con đường đến trường dễ dàng hơn, mái trường dạy học kiên cố hơn.

Nguồn:  tuoitrexahoi